Cẩn trọng đột quỵ, liệt mặt trong mùa lạnh

    Cẩn trọng đột quỵ, liệt mặt trong mùa lạnh

    Bài gửi  by hanhsino396 Wed Jan 03, 2018 1:42 pm

    Hiện tại, trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận 10 - 20 bệnh nhân đột quỵ, tăng khoảng 5 - 10% so với ngày thường. Các bác sĩ khuyến cáo xu hướng thời tiết lạnh vẫn còn kéo dài, do đó người dân cần mặc ấm và không nên chở con phía trước xe máy để phòng bệnh.


    Đột quỵ khi đi tập thể dục buổi tối

    Khoa Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai) vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân nữ 75 tuổi (Tả Thanh Oai, Hà Nội) bị đột quỵ nặng bằng phương pháp tiêu sợi huyết. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng liệt hoàn toàn bên phải và không nói được. Theo gia đình, bệnh nhân đang đi tập thể dục buổi tối thì xảy ra tình trạng này.

    Sau khi phát hiện gia đình đã nhanh chóng đưa bệnh nhân đến viện vào giờ thứ 2 sau đột quỵ (trong vòng 6 giờ sau đột quỵ là khung giờ vàng để cấp cứu hiệu quả cho các bệnh nhân đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết).

    Bệnh nhân nhanh chóng được khám, xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính, được chẩn đoán xác định là nhồi máu não do tắc động mạch máu não giữa lớn. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo, có thể nói chuyện, nửa người phải có thể vận động gần như bình thường.

    PGS.TS Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu A9 cho biết: Rét đậm kéo dài, số bệnh nhân bị bệnh đột quỵ và những bệnh lý tim mạch khác đều gia tăng do 3 nguyên nhân: Thứ nhất, trời lạnh, huyết áp sẽ tăng là nguyên nhân thường gặp gây đột quỵ;

    Thứ 2, thời tiết lạnh làm co mạch, máu dễ bị đông hơn có thể gây tắc nghẽn - đó cũng là nguyên nhân gây đột quỵ; Lý do thứ 3 thường thấy là môi trường lạnh, người dân dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng và điều này là cơ hội cho những người có bệnh nền trước đó dễ bị đột quỵ hơn.

    “Khi phát hiện người thân bị đột quỵ tại nhà, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có thể điều trị chuyên sâu về đột quỵ. Một điều cần lưu ý là tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn hay uống bất kỳ một loại thức ăn hay thuốc gì tránh bị sặc, nguy hiểm đến tính mạng do bệnh nhân có thể có rối loạn nuốt” - PGS Mai Duy Tôn khuyến cáo.

    Liệt mặt do lạnh đột ngột

    Cũng trong thời gian này, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Châm cứu Trung ương có 20 - 30 người đến khám, điều trị méo miệng, liệt mặt do bị liệt dây thần kinh số 7, trong khi mùa hè mỗi ngày chỉ có một vài ca đến khám do dùng điều hòa hoặc quạt

    Tại khoa Điều trị Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em, bé Nguyễn Thị Mai (Hải Dương) đang được điều trị chứng méo mặt. Mẹ cháu cho biết: Hơn một tháng trước, sau khi tắm buổi tối, chị thấy hai tay và chân của con lạnh nhưng không để ý. Sau 3 ngày, bé hết sốt nhưng miệng vẫn bị méo.

    Sau gần một tháng tự chữa bằng cách đắp các loại lá dân gian, tình trạng vẫn không cải thiện. Lúc này, chị mới đưa con tới Bệnh viện Châm cứu Trung ương để điều trị. Hiện tại tình trạng méo mặt của bệnh nhi này đang tiến triển tích cực, có thể ra viện trong thời gian tới.

    ThS.BS Dương Văn Tâm - Trưởng khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em cho hay, lạnh đột ngột làm tổn thương gây phù nề chèn ép dây thần kinh khi chạy trong xương đá, gây mất dẫn truyền giữa thần kinh Trung ương ra ngoài, từ đó gây liệt.

    Khi đó, người bệnh rơi vào tình trạng mắt nhắm mắt mở trừng trừng, nhắm không kín, miệng kéo lệch về phía bên lành, rãnh mũi má bên liệt mờ hoặc mất. Bệnh nhân không thể huýt sáo hay thổi lửa như bình thường. Khi ăn, thức ăn đọng ở má bị liệt. Các nếp nhăn ở trán bị xoá mờ hoặc mất hẳn. Ngoài ra, một số người còn có các dấu hiệu đau buốt nửa đầu.

    Còn theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Cảnh, Trưởng Khoa Cấp cứu (BV Châm cứu Trung ương), người cao tuổi là đối tượng liệt dây thần kinh số 7 nhiều nhất, đặc biệt là những trường hợp người đi tập thể dục trong mùa đông quá sớm hoặc không bảo vệ sức khỏe khi đi ra ngoài trời lạnh.







    iiiiiiiiiiii
    hanhsino396